Bình Định là nơi xuất thân của rất nhiều doanh nhân tên tuổi. Trong số đó nổi bật có thể kể đến ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), bầu Đức, ông Lê Phước Vũ…
Ông Huỳnh Uy Dũng
Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi, SN 1961 ở Tuy Phước, Bình Định) là cái tên lừng danh trên thương trường, người sáng lập ra Khu du lịch Đại Nam và nhiều khu công nghiệp lớn ở Bình Dương. Vợ chồng ông Dũng – bà Hằng còn được dư luận chú ý đến sau vụ kiện tụng ồn ào với “thần y” Võ Hoàng Yên, sau này là những màn livestream gây bão.
Tạm không bàn về đời tư, ông Dũng Lò Vôi quả thực là tấm gương sáng trong giới doanh nhân. Ông đi lên từ những chiếc lò vôi, sau này là người tiên phong trong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên ở Bình Dương. Ông Dũng hiện đang nắm trong tay Khu Công nghiệp Sóng Thần 2, Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Sóng Thần, Khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến…
Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của chồng bà Nguyễn Phương Hằng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu như cổ phần hóa.
Ông Đoàn Nguyên Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức, SN 1962, quê An Nhơn, Bình Định) xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ khổ cực với rau sắn qua ngày đã thôi thúc ông Đức phải học thật giỏi, có nghề nghiệp ổn định để thoát nghèo.
Năm 1982, ông Đức vào TP.HCM thi đại học nhưng trượt. Trở lại quê nhà, ông tiếp tục đi chăn trâu mỗi ngày nhưng vẫn tranh thủ học bài khi có thời gian. Đáng tiếc là dù chăm chỉ nhưng 4 lần thi lại sau đó, ông Đức vẫn không đạt được kết quả như mong chờ.
Năm 22 tuổi, ông Đoàn Nguyên Đức rời quê đi lập nghiệp. Mới đầu ông làm thuê, sau đó tích vốn mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế học sinh, tự mình cưa, bào, đẽo, đục để làm ra sản phẩm. Công việc thuận lợi, không bao lâu ông lại lấn sân sang mảng đồ nội thất, rồi bất động sản. Kết quả đáng hãnh diện nhất là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ra đời.
Theo giá thị trường, khối tài sản bầu Đức hiện đang nắm giữ có giá trị khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên con số này chưa phải cuối cùng vì vị doanh nhân còn nhiều tài sản khác như nhà đất, đầu tư nhiều lĩnh vực…
Ông Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ (SN 1963, quê ở Quy Nhơn, Bình Định) thường được gọi với danh xưng là “đại gia đi tu”. Trước khi gầy dựng nên Tập đoàn Hoa Sen, vị doanh nhân này cũng từng trải qua quãng thời gian đầy khốn khó. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo, từng mưu sinh bằng nhiều việc trước khi học ở trường Trung cấp Giao thông. Tuy được trường giữ lại làm giảng viên, ông Vũ vẫn từ chối vì mức đãi ngộ không đủ để ông hỗ trợ gia đình.
Ông Vũ sau đó quyết định vào Nam tìm kiếm cơ hội làm giàu. 2 năm đầu ông làm cho một công ty vận tải tại Tây Ninh, chạy tuyến Sài Gòn – Vinh. Về sau ông cùng vợ chuyển về Buôn Ma Thuột lập nghiệp. Đáng tiếc, chỉ 2 tháng sau họ đã phải từ bỏ vì không tìm ra hướng đi khả quan. Ông Vũ lại về Sài Gòn làm Quản đốc cho Công ty Gỗ Đức Thành. Thời gian đó ông gặp một giám đốc của công ty thép nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam và được gợi ý về lĩnh vực kinh doanh này.
Năm 1994, với chỉ 2 chỉ vàng, ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp với một cửa hàng nhỏ chuyên bán tôn. 3 năm sau, ông chuyển hướng sang mở xưởng cán tôn. Sau nhiều khó khăn, quy mô được mở rộng, nhiều xưởng cán tôn khác được mở ra. Ông Vũ cũng bắt đầu học thêm về quản trị kinh doanh, cách tiếp cận các nguồn vốn khác nhau.
Năm 2001, Công ty Cổ phần Hoa Sen ra đời. Hiện tại công ty này đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Hường
Doanh nhân Trần Thị Hường (1936-2017) quê gốc ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà từng là một trong những doanh nhân giàu có, quyền lực nhất Việt Nam. Lĩnh vực bà Tư Hường hoạt động là bất động sản và ngân hàng.
Người phụ nữ này khởi nghiệp sau khi đất nước thống nhất với một cơ sở kinh doanh nhỏ. Lúc đó bà Tư Hường đã có 10 người con. Công việc làm ăn thuận lợi, về sau bà Hường đã tạo ra chấn động vì 2 phi vụ thu lời hàng chục triệu USD vào những năm 90 là lần bán lại nhà máy bia Khánh Hòa cho San Miguel với giá 24 triệu USD và bán lại nhà máy Sài Gòn Cola ở Thủ Đức cho Coca Cola với giá 15 triệu USD.
Bà Tư Hường từng là Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu và chủ của Ngân hàng Nam Á. Đáng chú ý, Tập đoàn Hoàn Cầu là một trong những đơn vị đã mang cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới về Việt Nam, mời được Lady Gaga đến biểu diễn.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://tinnhadat.online không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!