Hà NộiÁm ảnh từng bị thất nghiệp, Hoài, 32 tuổi, cam chịu những lời chửi mắng của lãnh đạo để giữ việc, lâu dần rơi vào trầm cảm.
Hai giờ sáng, sau khi uống ly cà phê thứ 3, Hoài, nhân viên một công ty truyền thông, tiếp tục chỉnh sửa bài viết để kịp deadline (thời hạn cuối). “Nếu 6 giờ sáng không thấy thành phẩm, quản lý của tôi sẽ phát điên và chỉ trích nặng nề”, cô nói.
Cấp trên của cô là một người phụ nữ gần 50 tuổi, dễ nổi nóng và liên tục bắt nhân viên làm việc ngoài giờ. Mỗi khi công ty chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới, Hoài bị thúc giục bằng hàng chục tin nhắn, cuộc gọi.
“Nếu không phản hồi hoặc chậm, bà ấy sẽ gọi liên tiếp đến khi nào tôi nghe máy và xả một trận để trút cơn tức”, cô chia sẻ, thêm rằng thường xuyên phải chịu đựng các ngôn từ như “không có tư duy”, “tốt nghiệp loại giỏi mà nông cạn”, “ù lì”, “vô tích sự”.
Những lời chỉ trích khiến người phụ nữ hoài nghi về năng lực bản thân, cho rằng mình không xứng đáng để làm việc tại đây, nhưng cũng không dám nghỉ việc vì gánh nặng phải nuôi con và trả nợ. Lâu dần, Hoài trở nên hoảng loạn, tim đập nhanh, vã mồ hôi khi thấy báo tin nhắn của lãnh đạo. Nhiều đêm, cô thức trắng vì bất an hoặc ngủ mê sảng, nói nhảm, không có động lực sống cũng như năng lượng trong công việc.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU, Đại học quốc tế Bắc Hà, đồng thời là chuyên gia tư vấn tâm lý Học viện Hạnh phúc Việt Nam, chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm, tư vấn khám thêm về chuyên khoa tâm thần để được dùng thuốc điều trị.
Cũng phải chịu áp lực tương tự, Huy, 25 tuổi, chấp nhận nghỉ việc khi xuất hiện dấu hiệu rối loạn âu. Anh cho hay cấp trên là người kiêu ngạo, xem thường nhân viên, khó điều chỉnh cảm xúc, hành vi, đặc biệt luôn nghĩ mình quan trọng, muốn nhân viên đối xử đặc biệt. “Chỉ cần làm lãnh đạo không vừa lòng, dù chỉ vấn đề nhỏ là sẽ bị quát mắng nặng nề đến xấu hổ”, Huy bộc bạch.
Một lần, Huy góp ý, cấp trên của anh lập tức phản bác và nhắc nhở ngược lại, kèm theo phản ứng răn đe. Từ đó, Huy cam chịu, sống thu mình, xuất hiện các triệu chứng rối loạn lo âu mỗi khi nhắc đến sếp như vã mồ hôi, tim đập nhanh, tự làm đau để giải tỏa căng thẳng.
Theo bà Lan, tình trạng nhân viên bị stress do áp lực công việc và lãnh đạo xảy ra thường xuyên trong các công sở. Nguyên nhân có thể do khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên – thực chất là mối quan hệ chủ và người làm thuê, nên khi đối mặt sếp, nhiều người bị tâm lý lo lắng. Lãnh đạo cũng là người trực tiếp quản lý, đánh giá công việc, thưởng phạt hay ra mọi quyết định với bạn. Bên cạnh đó, những yếu tố về khoảng cách tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm cũng tạo ra rào cản.
Tuy nhiên, nhiều người chịu sức ép nặng nề hơn, gây rối loạn tâm thần, khi phải làm việc với những lãnh đạo mắc chứng ái kỷ, còn gọi Narcissistic. Theo các chuyên gia tâm thần, ái kỷ là chứng rối loạn nhân cách, biểu hiện một người yêu bản thân quá mức và thiếu sự đồng cảm với những người xung quanh. Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, giảng viên Tâm lý học tại ĐH Northeastern (Mỹ), nhận định những người sếp ái kỷ có xu hướng làm tổn thương và biến cuộc sống của nhân viên thành cơn ác mộng.
“Như hai lãnh đạo trên, họ nghĩ rằng bản thân giỏi hơn người khác, ảo tưởng quyền lực, coi thường, không tôn trọng nhân viên, luôn đặt bản thân và cảm xúc của mình lên đầu và hạ bệ đối phương, là các dấu hiệu của ái kỷ”, bà Lan nói.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết ảnh hưởng của môi trường góp phần hình thành nhân cách ái kỷ, bên cạnh các yếu tố khác như văn hóa, vấn đề về tâm sinh lý. Người mắc chứng này thường có tính tự cao, tự đại, luôn cho bản thân là đúng và thiếu sự đồng cảm, sẵn sàng miệt thị, xúc phạm người khác chỉ vì một điều không hài lòng, dù là nhỏ.
Lãnh đạo ái kỷ sẽ gây nhiều áp lực, từ đó tạo stress, căng thẳng mãn tính cho nhân viên. Nếu các stress này lặp đi lặp lại, kéo dài mà không được giải tỏa, nguy cơ tạo nên các bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hưng cảm, cũng như các bệnh thể chất khác.
Các chuyên gia khuyên nếu phải làm việc với sếp ái kỷ, mọi người nên thiết lập ranh giới rõ ràng để bảo vệ bản thân. “Điều này có nghĩa là bạn cần xác định rõ những giới hạn mà bạn không thể chấp nhận và không để lãnh đạo vượt qua những ranh giới đó”, bác sĩ Thu nói.
Khi có dấu hiệu không thể xử lý tình huống một mình, bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để nhận được sự hỗ trợ. Mặt khác, nếu công việc không phù hợp, không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu hoặc cách làm việc của cấp trên quá sức chịu đựng, bạn cũng nên suy nghĩ để có định hướng mới.
“Điều cốt lõi nhất là năng lực và khả năng làm việc, mỗi người cần cố gắng rèn luyện bản thân, khi có kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, bạn hoàn toàn làm chủ được công việc cũng như cuộc sống, không sợ cấp trên hay thất nghiệp”, chuyên gia nói.
Thúy Quỳnh
Tham khảo từ https://vnexpress.net/do-benh-vi-sep-ai-ky-4784071.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://tinnhadat.online không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!